Trong 4 tháng đầu năm, số vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á và Trung Đông đang là những người "xuống tiền" mạnh tay nhất.
1,6 tỷ USD đổ vào bất động sản
Vào tháng 3/2024, Báo Đầu tư đã phản ánh về tình trạng doanh nghiệp địa ốc ngoại chật vật tìm cơ hội “đổ vốn”, thông qua bài viết “Doanh nghiệp Thái Lan ‘rùng mình’ trước giá đất tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vấn đề trên đã được hóa giải.
Theo tiết lộ của người trong cuộc, doanh nghiệp đến từ xứ sở chùa Vàng được đề cập trong bài đã quyết định đầu tư một dự án nghỉ dưỡng tại tỉnh Khánh Hòa, thay vì Đà Nẵng như dự kiến. Dẫu vậy, quá trình thương thảo diễn ra không hề đơn giản. Cả phía bên mua và bán đều đã phải hạ bớt các kỳ vọng về giá bán để có thể đi tới việc ký kết hợp đồng.
Với trường hợp của doanh nghiệp Thái Lan trên, dù quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư không diễn ra trơn tru nhưng kết quả thu về vẫn là “trái ngọt”. Câu chuyện này cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có sức hút riêng trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Xu hướng này càng được thể hiện rõ hơn, khi số liệu về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào ngành địa ốc hết sức khả quan.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng vốn đăng ký cấp cho 966 dự án đạt 7,11 tỷ USD, tăng gần 29% về số dự án và hơn 83% về giá trị. Trong đó, vốn đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm tới 1,6 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 35 năm qua, khoảng 66,4 tỷ USD vốn ngoại đã đổ vào hơn 1.100 dự án bất động sản tại Việt Nam. Trong đó, những nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang đầu tư “mạnh tay” hơn cả.
Nguyên nhân “đại bàng” bay về Việt Nam
Chia sẻ về những vị “khách hàng” ngoại của thị trường địa ốc Việt, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, Xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết, các hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) đang được thúc đẩy nhờ dòng vốn đến từ các nhà đầu tư châu Á và Trung Đông. Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng đang tích cực tiếp cận các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
“Ngoài phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở, trong quý I/2024, phân khúc bất động sản thương mại văn phòng và du lịch nghỉ dưỡng cũng đã được các nhà đầu tư bắt đầu để ý”, bà Phạm Thị Miền tiết lộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Tổ chức Định giá và các đại lý bất động sản của Thái Lan, nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam tương đối nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Ưu thế này được cộng hưởng nhờ sự ổn định và tốc độ phát triển ấn tượng của nền kinh tế. Ngoài ra, số lượng dân cư lên tới 100 triệu người và chưa phải đối diện với giai đoạn già hóa nghiêm trọng cũng là những điểm cộng, cho thấy tệp khách hàng tiềm năng vẫn còn rất lớn.
“Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu nhiều thành phố lớn và còn dư địa để phát triển. Đây là điều trái ngược so với Thái Lan, khi hầu hết mọi dự án, công trình trọng điểm đều chỉ tập trung tại Bangkok. Đáng chú ý, dù sở hữu nhiều lợi thế như vậy nhưng giá bất động sản Việt Nam hiện vẫn chưa chạm đỉnh. Đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư biết chớp lấy thời cơ”, ông Sopon Pornchokchai nhận định.
Vị chuyên gia người Thái còn đánh giá cao những động thái phòng chống tham nhũng mạnh tay của Việt Nam. Đây sẽ là yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư về một thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và minh bạch. Thêm vào đó, những điểm khuyết trong hệ thống hạ tầng giao thông cũng đang được tích cực hoàn thiện bằng loạt dự án mới, tiêu biểu là đường cao tốc Bắc - Nam.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thách thức lớn của các nhà đầu tư bất động sản ngoại hiện nay là những trở ngại về thủ tục hành chính. Đây là các “bài toán” đau đầu của doanh nghiệp, khiến nhiều nhà đầu tư trở nên e ngại trong việc tiếp cận dự án. Bên cạnh đó, các loại thuế, phí về sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 cũng sẽ là những vấn đề cần được điều chỉnh lại để tăng cường thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực bất động sản.