Bảng giá đất tăng kéo theo các chi phí đầu vào tăng, các vấn đề về giá bán, lợi nhuận, đầu ra… sẽ là một bài toán khó đối với doanh nghiệp bất động sản.
Tâm lý thị trường dao động, doanh nghiệp chịu nhiều sức ép
Thông tin TPHCM điều chỉnh bảng giá đất tăng mạnh khiến nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng sẽ làm giá chuyển nhượng, giá thuê (của tổ chức, cá nhân) nhà đất tăng lên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành bảng giá đất không chỉ tác động đến người dân, doanh nghiệp, thị trường mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư và làm giảm khả năng cạnh tranh của thị trường trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Đánh giá về tác động khi bảng giá đất điều chỉnh tăng mạnh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phương Đông Group - nhận định, ở góc độ thị trường, trước hết khi giá đất tăng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, ở cả những người mua và người bán đã xuất hiện tâm lý dao động.
“Khi giá đất tăng mạnh, nhiều người đang muốn bán thì họ sẽ không bán nữa để chờ giá tiếp tục tăng. Thực tế trong mấy hôm nay, đã có rất nhiều người hỏi tôi khi bảng giá đất điều chỉnh thì liệu giá đất trên thị trường có tăng tiếp không? Giá các khu vực khác có tăng theo không? Nghĩa là tâm lý chờ đợi đã xuất hiện, điều này sẽ làm thị trường bị trễ, giao dịch cũng có thể bị chậm trễ trong một thời gian” - ông Tuấn nói.
Mặt khác, ông Tuấn phân tích: “Khi giá đất tăng sẽ khiến chi phí vốn đầu vào tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, hiệu quả của việc thực hiện dự án. Khi chi phí đầu vào quá cao sẽ “bóp nghẹt” động lực đầu tư của doanh nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không còn động lực làm dự án. Bài toán lợi nhuận đối với doanh nghiệp lúc này cũng sẽ trở thành một thách thức, bởi vì giá đất cao, chi phí đầu vào cao thì các vấn đề như giá bán, lợi nhuận, đầu ra… sẽ là một bài toán hóc búa”.
“Những yếu tố này có thể khiến các nhà đầu tư chùn chân, thậm chí tháo chạy khỏi thị trường, họ sẽ tìm đến những thị trường, những phân khúc có mức giá hợp lý hơn” - CEO Phương Đông Group nhận định.
Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và khả năng cạnh tranh của thị trường
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) - cũng cho rằng giá đất tăng có những tác động tích cực như người dân có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng hơn với số tiền được bồi thường cao hơn; giúp nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất tăng thêm trong thời gian tới; chênh lệch địa tô được xử lý thỏa đáng hơn, hạn chế những bất cập về “đất hai giá”…
Tuy nhiên, khi bảng giá đất tăng, kéo theo đó là chi phí bồi thường, giải phóng bằng sẽ tăng lên, làm tăng chi phí đầu tư, kể cả dự án đầu tư công và dự án của các doanh nghiệp tư nhân.
Điều đó dẫn đến chi phí đầu vào tăng, tạo sức ép tăng giá nhà đất, giá nhà cho thuê, giá cho thuê đất trong các khu công nghiệp và các dự án đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch dẫn đến việc có thể làm tăng giá cả hàng hóa và tác động bất lợi đến cả các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Trong đó, Chủ tịch HoREA đặc biệt lưu ý việc giá cho thuê đất trong khu công nghiệp tăng, vì nó có thể làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nước để để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, ông Châu cho rằng, tại thời điểm hiện nay, TPHCM chưa cần thiết ban hành dự thảo bảng giá đất mà nên tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng kể từ ngày 1.1.2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024.