Becamex được giao lập dự án đầu tư cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km, giai đoạn 1 có 4 làn xe, dự kiến triển khai theo phương thức PPP.
 

Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa có công văn số 233/QĐ – UBND gửi Sở GTVT Bình Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp) về việc chấp thuận đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo Luật PPP.

Tại công văn này, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhà đầu tư được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo Luật PPP là Becamex IDC Corp; địa chỉ: số 08 Đại lộ Hùng Vương, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thời gian nộp hồ sơ đề xuất là trong thời gian 60 ngày kể từ ngày UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lập theo quy định Luật PPP và các văn bản có liên quan. Đồng thời, nghiên cứu đối với sự tham gia của nguồn vốn ngân sách nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).

Becamex IDC Corp được yêu cầu bố trí kinh phí, tự chi trả kinh phí, tự chịu trách nhiệm và không kèm bất kỳ điều kiện gì khi hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Doanh nghiệp này cũng sẽ phải chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan như các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT , Tài nguyên và môi trường, Xây dựng và các huyện, thành phố có tuyến đường dự án đi qua của tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước để lập hồ sơ đề xuất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Luật PPP, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương căn cứ Luật PPP và các văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo dự án trên được triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản giao UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo Luật PPP, tạo tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch, góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bình Dương với Bình Phước và với vùng Tây Nguyên.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến: đoạn tuyến nối cao tốc có điểm đầu (Km0+00 tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM) và đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu (Km8+600, tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM), điểm cuối (Km68 +700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (Tp HCM) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m; đoạn còn lại sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng (chưa tính lãi vay), trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.137 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỷ đồng. Nếu được thông qua, Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.