Tin Thị Trường BĐS - Một trong những vấn đề mới trong Nghị quyết 18 của Trung ương được nhiều chuyên gia, dư luận quan tâm đó là bỏ khung giá đất và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo quy luật thị trường.
Theo quy định hiện nay, Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian này, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất, Chính phủ sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Nhiều tuyến đường ở trung tâm quận 1 (TPHCM) có giá giao dịch thực tế cao hơn quy định của bảng giá đất từ 5 đến 15 lần
Căn cứ khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất.
Mặc dù luật quy định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, nhưng thực tế có những địa phương giá đất biến động liên tục nhưng vướng quy định khung giá đất nên chính quyền địa phương không thể tăng giảm giá được, dẫn đến giá đất ban hành không phù hợp với thực tế thị trường. Giá đất trong bảng giá ở nhiều tỉnh thành chênh lệch lớn so với giá thị trường dẫn đến giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Nên giao quyền cho các địa phương
Nhận định về Nghị quyết 18, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, việc bỏ quy định về khung giá đất sẽ mở ra cơ chế để giá đất “thân thiện” hơn với doanh nghiệp và người dân, trở thành động lực thúc đẩy thị trường bất động sản. Theo ông Châu, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định, khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế tại địa phương, được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất. Bảng giá đất điều chỉnh cao không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. Do cơ chế này nên bảng giá đất của các địa phương thường chỉ bằng 30-50% so với giá đất trên thị trường.
Ông Châu dẫn chứng, UBND TPHCM đã ban hành bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 theo quyết định số 02/2020/QĐ-UBND nhưng chưa sử dụng thẩm quyền của cấp tỉnh (được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất). Do đó, mức giá đất cao nhất của bảng giá đất tại các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) chỉ 162 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại các vị trí đất nói trên giá thị trường cao hơn rất nhiều. Để Nghị quyết 18 sớm đi vào thực tiễn, Chủ tịch HoREA kiến nghị bỏ khung giá đất và giao toàn bộ thẩm quyền, trách nhiệm cho cấp tỉnh. Các địa phương sẽ không lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Đơn cử tại Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Toà án Nhân dân tối cao số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm vừa qua. UBND quận Hoàn Kiếm đã áp dụng tối đa chính sách bồi thường hỗ trợ cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi tại dự án, đồng thời áp dụng cơ chế đặc thù để đảm bảo quyền lợi của người dân ở mức cao nhất. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn sau đó mới tạo được sự đồng thuận của người dân bởi khung giá Nhà nước quy định chênh rất xa so với giá thị trường.
Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, khi bỏ khung giá đất, một vị trí đất không còn giao dịch "2 giá" nữa. Người dân không còn giao dịch trốn thuế, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có giao dịch thực tế để tính giá đất sát với giá thị trường, giúp cho công tác giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Không còn chuyện giao dịch nhà đất "2 giá"
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2013 đã quy định giá đất trong khung phải ngang bằng với giá thị trường nhưng trên thực tế lại thấp hơn giá thị trường rất nhiều.
Khi đã có khoảng cách về giá trong bối cảnh cơ chế thị trường thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai. Đây là một trong những kẽ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách. Ngoài ra các kỳ điều chỉnh khung giá đất còn tạo điều kiện để môi giới, cò đất tung tin thất thiệt, thổi giá, tạo sốt ảo. Do vậy việc đổi mới thể chế, bỏ khung giá đất có thể nói là bước đột phá để đưa giá đất đai về giá trị thực, ngăn ngừa tham nhũng về đất.
Ông Võ cũng nhấn mạnh: Tuy bỏ khung giá đất là tích cực nhưng đến nay mới thực hiện là rất chậm, vì gần 20 năm (từ 2003) đến giờ mới bỏ được khung giá. "Trong quá trình đổi mới lĩnh vực tài chính đất đai ở Việt Nam nhìn có vẻ tích cực nhưng vẫn là quá chậm khi chúng ta chuyển từ cơ chế bao cấp sang thị trường", GS Võ nói.
Vướng mắc ở ta hiện nay là giá ghi trên hợp đồng thường thấp hơn giá thị trường. Các địa phương để bảng giá đất quá thấp, trong khi giá mua bán trên hợp đồng thường ghi giá trị ngang bảng giá đất Nhà nước ban hành để người giao dịch nộp thuế thấp.
Nếu địa phương nâng bảng giá đất sát giá thị trường thì người mua, người bán không còn ghi giá mua bán thấp hơn giá ấn định trong bảng giá đất, vì rất rủi ro. Nếu bị phát hiện có thể hợp đồng vô hiệu, thiệt hại lớn cho người mua.
Việc bỏ khung giá đất mới chỉ "cởi trói" một phần, phần tiếp theo cần phải bỏ cả bảng giá đất, thay vào đó là bản đồ giá trị đất đai. Nói về kinh nghiệm xác định giá đất trên thế giới, GS Đặng Hùng Võ nêu ví dụ ở Nhật Bản, họ dùng bản đồ đường phố, phố nào giá bao nhiêu thì theo dõi theo giá thị trường trên các hợp đồng, rất đơn giản.
Bảng giá đất hiện chỉ quy định vị trí 1, 2, 3 so với giá trị cao nhất và thấp nhất trong khu vực đó. Trong khi bản đồ giá trị đất đai có vị trí từng khu vực, chấm vào đâu sẽ ra giá trị ở đó, không thể sai lệch được. Ông Võ cũng nhìn nhận, việc lập bản đồ phải khảo sát, thu thập giá thị trường... cùng rất nhiều công việc khác nên cần từng bước chuyển lên bản đồ giá trị đất đai.