Tin Thị Trường BĐS - Mặc dù còn nhiều vướng mắc cần được sớm tháo gỡ, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Là một trong những nhân sự đầu tiên của Tokyu Corporation (Nhật Bản) đến Việt Nam cách đây hơn 10 năm, ông Oh Dong Kun - Tổng giám đốc đại diện Tokyu Corporation tại Việt Nam - nhìn nhận đây là quốc gia có thị trường bất động sản sôi động hàng đầu châu Á.
Đó là lý do sau hàng loạt dự án dân cư, thương mại, dịch vụ tại thành phố mới Bình Dương hợp tác cùng Becamex IDC, mới đây, Tokyu tiếp tục công bố thành lập liên danh với Tập đoàn Danh Khôi để triển khai dự án căn hộ nghỉ dưỡng The Meraki (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó, Tokyu đóng góp 49% vốn đầu tư, 51% còn lại là Danh Khôi.
Nhân tố 'hút' nhà đầu tư ngoại
Với ông Oh Dong Kun, thị trường Việt Nam như "một đứa trẻ đang lớn". Quá trình trưởng thành sẽ gặp nhiều trắc trở, nhưng điều quan trọng là liệu các doanh nghiệp có đủ kiên nhẫn và tiềm lực để thay đổi và chờ đợi sự phát triển của nó hay không.
"Yếu tố hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là tính tăng trưởng. Tôi nhớ năm 2011 khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu, số lượng căn hộ ở TP.HCM chưa đầy 10.000 căn, nhưng đến năm 2018 đã lên tới hơn 40.000. Từ đây có thể thấy được sự tăng trưởng mạnh mẽ của bất động sản Việt Nam", ông Oh Dong Kun chia sẻ.
Chính vì vậy, ông cho rằng các tập đoàn quốc tế sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nhận thấy thị trường nhà ở đã quá dồi dào, Tokyu Corporation có định hướng tập trung vào phân khúc văn phòng trong thời gian tới, có thể bắt đầu từ các thị trường hấp dẫn như TP.HCM, Hà Nội và sau đó là các tỉnh miền trung như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang...
Còn theo quan sát của ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội, bất động sản Việt Nam dù ở phân khúc nào vẫn luôn là "miếng bánh hấp dẫn" đối với nhà đầu tư ngoại.
Ông phân tích, trong khi bất động sản công nghiệp ngày càng thu hút do sự đổ bộ của FDI trong ngành chế biến chế tạo, thì quá trình đô thị hóa và sự gia tăng tầng lớp trung lưu, thượng lưu lại thúc đẩy nhu cầu về nhà ở. Xu hướng đầu tư vào bất động sản nhà ở và văn phòng càng được củng cố khi giá thành tại Hà Nội và TP.HCM vẫn còn ở mức hợp lý so với các thị trường lân cận Singapore, Thượng Hải hay Thâm Quyến...
Song song đó, bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt phân khúc chăm sóc sức khỏe, còn là loại hình mới mẻ tại Việt Nam nên sẽ là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 trong thu hút FDI, với hơn 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng số vốn đăng ký trong nửa đầu năm nay.
Tính riêng một tháng qua, thị trường cũng đón thêm nhiều thông tin tích cực ở hầu hết lĩnh vực. Mới nhất, Gaw NP Capital (Hong Kong) thuê lại 17 ha đất tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng danh mục đầu tư bất động sản từ 49 đến 100 ha trong năm nay.
Vài tuần trước đó, Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) cũng chính thức đưa thương hiệu Mỹ Core5 về Việt Nam thông qua liên danh với Indochina Capital. Indochina Kajima dự định đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực này ở Việt Nam trong vòng 5-7 năm tới.
Trong khi đó, CapitaLand (Singapore) vừa thâu tóm quỹ đất 8 ha dự kiến xây dựng khu phức hợp ở TP Thủ Đức (TP.HCM), còn Central Retail (Thái Lan) công bố kế hoạch đầu tư 20.000 tỷ đồng vào Việt Nam, trong đó có phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.
Với ngành nghỉ dưỡng, không riêng gì Tokyu, tập đoàn khách sạn IHG (Anh) cũng liên tục ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Việt để gia tăng số lượng thương hiệu và khách sạn tại đây. Nhìn nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ tăng gấp đôi số khách sạn khi triển khai thêm 20 dự án.
Những rào cản cần tháo gỡ
Dù vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn thừa nhận dòng vốn FDI vào bất động sản Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Đỗ Duy Thành, 2/3 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay là những doanh nghiệp quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, tuy nhiên nhìn chung số vốn FDI qua từng năm thực chất không được giải ngân như cam kết.
Lý do lớn nhất là hệ thống pháp lý khiến dự án bị đình trệ. Ông chỉ ra một ví dụ điển hình là các mô hình condotel, officetel dù đang thu hút sự chú ý nhưng lại chưa có đầy đủ khung pháp lý.
Cũng với lý do pháp lý chưa rõ ràng và thời gian thực hiện thủ tục hành chính còn kéo dài, ông Oh Dong Kun thẳng thắn cho biết chưa thực sự hài lòng với môi trường đầu tư hiện nay ở Việt Nam. Đây là một phần động lực để Tokyu ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp nội địa trong quá trình thực hiện các dự án.
"Đặc trưng của chúng tôi là phát triển đô thị, do đó buộc phải bám sát vào những yếu tố địa phương. Đối tác Việt Nam có thế mạnh về điểm này, đặc biệt họ có quỹ đất sạch và rành thủ tục hành chính. Còn chúng tôi có kinh nghiệm và kỹ thuật, chứ không chỉ đơn thuần góp vốn. Sự tham gia ngay từ khi có quỹ đất có thể mất nhiều thời gian, nhưng quan trọng là hai bên minh bạch mọi thông tin và cùng bàn bạc để nâng cao chất lượng sản phẩm", ông nói thêm.
Việc chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được triển khai kỹ càng và đảm bảo, thông qua thẩm định khả năng tài chính, tổng vốn đầu tư, các dự án đã thực hiện, uy tín doanh nghiệp và tiêu chí đầu tư.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội
Còn về phía cơ quan quản lý, ông Đỗ Duy Thành cho rằng pháp lý cho các loại hình bất động sản mới nên được rà soát, chính sách đầu tư nước ngoài cũng cần được điều chỉnh để theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu.
Song song đó, chất lượng giao thông và cơ sở hạ tầng nên được tập trung hoàn thiện và nâng cao.
“Bên cạnh quá trình hoàn thiện và củng cố những điều kiện trong nước, việc chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được triển khai kỹ càng và đảm bảo.
Điều này có thể thực hiện được thông qua công tác thẩm định nhà đầu tư nước ngoài về khả năng tài chính, tổng vốn đầu tư, các dự án đã thực hiện, uy tín doanh nghiệp trên thị trường và tiêu chí đầu tư của họ”, ông Thành nhấn mạnh.