Gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đang chứng kiến sự bùng nổ trở lại của các cơn sốt đất. Đáng chú ý, nguyên nhân lần này không đến từ các yếu tố kinh tế hay sự bứt phá trong hạ tầng mà lại xuất phát từ những thông tin liên quan đến việc sáp nhập tỉnh, thành
Đất nền có thật sự "dậy sóng" vì tin đồn sáp nhập?
Kế hoạch sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu triển khai khẩn trương. Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là vấn đề hành chính mà còn mở ra nhiều cơ hội, thách thức trong tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó bất động sản chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng giá đất ở nhiều khu vực đã bị đẩy lên cao gấp vài lần chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo ghi nhận của Dân Việt, giá đất các xã, phường tại TP. Việt Trì có dấu hiệu bị đẩy tăng 20 - 30%. Đặc biệt khu đất nền hạ tầng giao thông đồng bộ đã tăng đến 50% so với cuối năm 2024.
Nguyên nhân xuất hiện dấu hiệu "sốt đất" đến từ tin đồn về việc tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sẽ sáp nhập với nhau và trụ sở dự kiến đặt tại Phú Thọ.
Ngoài ra, nhiều quận huyện vùng ven Hà Nội như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình,... cò đất đang tung tin tràn lan trên mạng xã hội, hứa hẹn sau sáp nhập giá đất sẽ tăng "phi mã".

Không chỉ tại các tỉnh ven Hà Nội, tin đồn sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã khiến bất động sản vùng giáp ranh có hiện tượng "nóng" lên. Theo thông tin Dân Việt đã đưa, giá đất tại đây đã tăng từ 200 đến 500 triệu đồng/lô chỉ trong vài tuần.
Điểm chung của nhiều môi giới dặn khách: "Không mua bây giờ sợ rằng sắp tới giá sẽ cao hơn".
Bản chất của "cơn sốt" đất nền, nhà đầu tư cần tỉnh táo
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, những cơn sốt đất dựa trên tin đồn thường là những hiện tượng ngắn hạn và thiếu bền vững.
"Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều cơn sốt đất với những nguyên nhân khác nhau. Nhưng điểm chung là khi có tin đồn thì giá đều bị đẩy lên quá cao. Khi tin đồn lắng xuống hoặc khi thông tin chính thức được công bố không như kỳ vọng thì giá đất sẽ hạ nhiệt chóng mặt, thậm chí là nguội lạnh".
Nhìn lại giai đoạn 2008, trước khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, giá đất tại Hà Đông rao bán khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau sáp nhập vài năm, cơ sở hạ tầng ở đây đã phát triển chóng mặt, các tuyến đường giao thông mở rộng, ga metro,... đã kéo giá đất tăng vọt lên hơn 100 triệu đồng/m2.
Chính vì chứng kiến sự phát triển vượt bậc này đã khiến nhiều người càng kỳ vọng vào kế hoạch sáp nhập tới dù những tỉnh thành sáp nhập vẫn đang là tin đồn.

Giới đầu cơ đang "chơi" trò gì?
Không thể phủ nhận, trong mỗi cơn sốt đất, có những nhà đầu tư biết tận dụng cơ hội và có chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, đa số lại bị cuốn theo tâm lý đám đông, trở thành nạn nhân của trò thao túng thị trường.
Cò đất thường tạo ra sự khan hiếm giả khiến người mua hoảng loạn, sợ mất cơ hội. Nhưng khi thị trường chững lại, sẽ không ai sẵn sàng mua với mức giá bị thổi phồng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo
Ông Hiếu cho rằng, những nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm thường là đối tượng gánh chịu rủi ro lớn nhất khi lao vào cơn lốc sốt đất này và cuốn vào "trò chơi" giới đầu cơ tạo ra. Họ đang mua vào với mức giá cao nhưng lại gặp khó khăn khi bán ra do tính thanh khoản thấp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ: Phần lớn nhóm đầu cơ đều có chiến lược rất bài bản, họ thường tung tin đồn, thậm chí thuê người đi gom đất giả với số lượng lớn để khiến giá đất "truyền tai" nhau tăng nóng.
Bản chất việc tăng giá đất là tạo niềm tin từ những người dân đang sở hữu đất rằng tiềm năng tăng giá đang rất cao để biến họ trở thành những nhà đầu tư "nghiệp dư" đi săn đất. Sau khi đã tuồn được hàng thì nhóm đầu cơ sẽ để những người này mắc kẹt với mức giá "trên trời", ông Đính phân tích.

Không chỉ rủi ro về tài chính khi phải "dồn tiền" đu theo đất, việc đầu tư theo phong trào còn kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng. Dẫn chứng, trong những cơn sốt đất, rất nhiều giao dịch được thực hiện một cách vội vàng mà không kiểm tra kỹ pháp lý.
"Bà con thường bị hấp dẫn bởi những lô đất giá rẻ hoặc những lô đất "chưa kịp" tăng để làm thủ tục mua bán nhanh chóng. Rủi ro đến từ việc ô đất chưa có sổ đỏ, thuộc diện quy hoạch hoặc giấy tờ giả mạo", vị chuyên gia này khuyến cáo.
Chính vì vậy, ông Đính khuyến cáo người dân cần xác minh thông tin từ các nguồn chính thông, không nên chỉ dựa vào lời đồn hoặc các thông tin chưa được kiểm chứng. Đồng thời, nhà đầu tư không nên mua đất qua giấy tay, sổ chung.
Ông Đính nhấn mạnh, cần phải tránh tâm lý "bỏ lỡ cơ hội" khi thấy giá đất tăng nhanh. Nếu giá bị đẩy lên quá cao trong thời gian ngắn mà không có cơ sở kinh tế hợp lý, rất có thể đó là sốt ảo. Những người mua sau cùng thường là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi thị trường điều chỉnh.
"Bỏ không được, vứt không xong" là câu mà vị Phó Chủ tịch Hội bất động sản Việt Nam dùng để miêu tả những người "cầm hòn than nóng" cuối cùng khi không thật sự tỉnh táo.