Tin thị trường - Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai về các dự án đầu tư vào Đồng Nai, với 273 dự án, đứng thứ ba về số vốn đầu tư vào tỉnh này là 5,2 tỷ USD.
Tính đến nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai về các dự án đầu tư vào Đồng Nai, với 273 dự án, đứng thứ ba về số vốn đầu tư vào tỉnh này là 5,2 tỷ USD.
Trong năm 2023 có 15 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 238 triệu USD. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho hơn 61.000 người lao động; thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của địa phương, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai.
Thông tin thêm về tình hình thu hút FDI tại tỉnh, tính đến đầu tháng 1/2024, trên địa bàn Đồng Nai có 1.092 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với số vốn hơn 318.000 tỷ đồng; số dự án FDI còn hiệu lực là 1.593 với số vốn hơn 34 tỷ USD.
Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Trong đó, cấp mới 72 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 416 triệu USD, 88 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung hơn 743 triệu USD.
Ngày đầu năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 500 triệu USD. Cụ thể, Dự án SLP Park Lộc An Bình Sơn (khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn). Dự án với số vốn hơn 121 triệu USD, mục đích cho thuê nhà kho, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa do SEA Logistic Partners (SLP), doanh nghiệp đến từ Singapore làm chủ đầu tư.
Ba dự án FDI đăng ký mới còn lại, gồm: Dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Ryder Industries Việt Nam (khu công nghiệp Long Thành), với số vốn 15 triệu USD; Dự án Freudenberg & Vilene International Việt Nam - Long Thành (khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn), với số vốn 10 triệu USD; Dự án K-Upa Vina (khu công nghiệp Nhơn Trạch I), với số vốn 10 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án FDI tăng vốn là: Dự án sản xuất cà phê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam (khu công nghiệp Amata) - Nhà máy Trị An, tăng 100 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất Công ty cao su Kenda Việt Nam (khu công nghiệp Giang Điền), tăng 80 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (khu công nghiệp Nhơn Trạch V) số vốn tăng thêm 19 triệu USD và Dự án Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (khu công nghiệp Nhơn Trạch III), tăng thêm 18 triệu USD.
Đáng chú ý, phát triển công nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện tỉnh Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp khi được phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với gần 190 km2, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy gần 86%.
Đồng Nai đã khởi công Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành hơn 6.000 tỷ đồng và được chấp thuận đầu tư thêm Khu công nghiệp Long Đức 3 với tổng vốn 1.800 tỷ đồng.