Kiến thức đầu tư: - Nhà cuối hẻm cụt thường có giá rẻ hơn so với mặt bằng chung. Đi kèm đó đôi khi là những rủi ro về pháp lý, sự bất tiện trong sinh hoạt và cả sự an toàn khi có sự cố xảy ra.
Nhà cuối hẻm cụt là gì?
Theo Quyết định số 88/2007/QĐ-UBND về lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu thuộc địa bàn TP.HCM, đường hẻm là các tuyến đường phục vụ giao thông nội bộ khu vực và có lộ giới nhỏ hơn 12m.
Trong khu dân cư hiện hữu có 4 loại đường hẻm gồm:
- Hẻm chính: Được hiểu là đường hẻm nối thông vào đường phố (loại đường khu vực có lộ giới lớn hơn 12m) và hẻm này bao gồm các hẻm nhánh hoặc hẻm cụt khác.
- Hẻm nhánh: Là đường hẻm nhỏ hơn hẻm chính và được nối vào đường phố hoặc hẻm chính, hoặc có liên thông với hẻm khác.
- Hẻm cụt: Là loại đường hẻm chỉ nối một đầu vào đường hẻm khác hoặc đường phố. Vì vậy, khi đi vào hẻm này sẽ có những ngôi nhà cuối hẻm và không có lối ra.
- Lối đi chung: Là đường đi ở hẻm cụt để phục vụ giao thông nội bộ cho một số ngôi nhà. Độ rộng của hẻm cụt tối thiểu là 3,5m. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều hẻm có lối đi rất nhỏ.
Như vậy nhà cuối hẻm cụt là chỉ căn nhà nằm ở cuối cùng con hẻm cụt. Những căn nhà này sẽ có không gian yên tĩnh, thoải mái, không bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn cũng không phải lo lắng bị người khác làm phiền, có thể tận dụng được khoảng không trước nhà để trồng rau, để xe. Tuy nhiên, nhà cuối hẻm cụt cũng có rủi ro pháp lý, bất tiện trong sinh hoạt.
Rủi ro khi mua nhà cuối hẻm cụt
Rủi ro pháp lý
Đây là vấn đề cần quan tâm khi quyết định mua nhà cuối hẻm cụt bởi nhà nằm trong hẻm càng nhỏ thì rủi ro pháp lý càng cao. Đặc biệt, nếu lộ giới hẻm đang nhỏ (3,5m trở xuống), thì nhiều khả năng hẻm phải được chỉnh trang và quy hoạch lại. Trường hợp hẻm chưa được chỉnh trang mà nằm trong quy hoạch treo, chủ nhà sẽ không được sửa chữa, cơi nới, thay đổi hiện trạng đang có.
Ngoài ra, những căn nhà trong hẻm nhỏ có diện tích nhỏ nên thường bị cơi nới, lấn chiếm lỏng hẻm, xây dựng trái phép nên khó hoàn công và không thể xin cấp sổ.
Hẻm càng nhỏ, giá trị căn nhà càng giảm
Với nhà trong hẻm, người mua cần hiểu rõ, với những con hẻm càng nhỏ thì giá trị căn nhà càng giảm. Khi cần tiền, bán nhà trong hẻm nhỏ thường bị ép giá, gặp nhiều trở ngại trong việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng do bị định giá thấp.
Giá bán nhà cuối hẻm thường rẻ, nhưng người mua cần lưu ý chi phí sửa chữa tân trang, tính thanh khoản thấp, khó tránh cảnh mua dễ bán khó hoặc kéo dài thời gian thương lượng, khó chốt giao dịch.
Bất tiện trong sinh hoạt, đi lại
Nhà ở cuối hẻm chỉ có một con đường dẫn vào nhà nên giao thông không thuận lợi. Xe lớn không vào được nên bất tiện khi gọi taxi, cấp cứu, gia đình có xe hơi phải gửi xe bên ngoài,… Đặc biệt, khi nhà có công việc ma chay, hiếu hỉ giao thông khó khăn trong lưu thông, chỗ để xe,…
Thực trạng lấn chiếm lối đi chung trong hẻm để kinh doanh, mua bán,… cũng là vấn nạn khá phổ biến hiện nay.
Khó khăn khi xây dựng, sửa chữa, thiết kế
Với những nhà cuối hẻm cụt, khi muốn xây dựng, sửa chữa sẽ gặp khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc,... Chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển vật tư sẽ rất cao vì hẻm vào nhà sâu và phải tốn rất nhiều công để vận chuyển.
Hơn nữa, trong quá trình xây dựng khó tránh khỏi ảnh hưởng tường chung, vách chung, chống thấm khó khăn do ứ đọng nước nhà bên cạnh, dễ xảy ra tranh chấp với hàng xóm. Nhà cuối hẻm khó khăn trong việc bố trí, lắp đặt hệ thống thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
Khó thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn
Một vấn đề người mua cần lưu ý là thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn với những căn nhà cuối hẻm cụt.
Bởi chỉ có con đường duy nhất để vào nhà, nếu không may có hỏa hoạn xảy ra mà lại bắt nguồn từ những ngôi nhà phía ngoài thì con đường thoát thân của những nhà bên trong sẽ bị bịt hoàn toàn. Xe cứu hỏa cũng khó tiếp cận hiện trường khi xảy ra cháy nổ.
Những bất lợi về mặt phong thủy
Theo phong thủy, nhà cuối hẻm cụt gặp nhiều bất lợi, dễ xảy ra tình trạng bế khí khi dòng khí dẫn từ ngoài vào kém hơn các nhà khác, bởi những luồng khí tốt lùa vào thường sẽ mạnh ở đầu ngõ và yếu dần khi đến cuối ngõ. Hẻm càng dài, càng quanh co thì khí càng bị thất thoát nhiều.
Ngoài ra, nhà cuối hẻm không có sự trao đổi khí dễ xảy ra tình trạng bế khí, không tốt cho những người sinh sống trong nhà. Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm đọng lại ở cuối hẻm sẽ làm cho cơ thể con người dễ bị bệnh tật, ốm yếu...
Thậm chí, trong quan niệm dân gian, nhà ở cuối hẻm thường sẽ dễ mang đến thiên tai và các hiểm họa tổn tài hay tàn tật cho gia chủ. Vị trí trong cùng của hẻm thường mang lại vận khí xấu do con đường cụt, làm Sinh khí trong mảnh đất không được tương thông. Nhà cuối hẻm cụt là một trong những vị trí các chuyên gia phong thủy khuyên cần tránh khi mua nhà.