Kiến thức đầu tư - Nghị định 35 của Chính phủ có quy định các lô đất có quy mô nhỏ lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng). Đây là một hướng mở cho dự thảo quy định tách thửa mới có tính khả thi.
Dự thảo quy định về tách thửa, hợp thửa đất để thay thế cho quyết định 60 về tách thửa của UBND TP.HCM đang được người dân TP quan tâm nhiều.
Theo dự thảo, điều kiện tách thửa đối với đất ở phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 đang gây lo lắng cho nhiều người dân và thu hút ý kiến đóng góp.
Nên bổ sung rõ hơn về điều kiện quy hoạch chi tiết 1/500.
Góp thêm ý kiến về dự thảo quy định tách thửa mới, ông Ngô Anh Vũ - viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM - cho rằng dự thảo có thể bổ sung điều chỉnh cho rõ hơn về điều kiện quy hoạch chi tiết 1/500 nhằm bảo đảm tính khả thi khi quy định tách thửa mới được ban hành, áp dụng.
Theo đó, theo quy định nghị định 35 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng) có hiệu lực ngày 20-6-2023 mới đây, quy hoạch chi tiết có hai trường hợp.
Thứ nhất, quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy trình thông thường đối với dự án đầu tư, xây dựng có quy mô lớn.
Thứ hai, đối với lô đất có quy mô nhỏ, được lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (gọi là quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng).
"Lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn hay quy hoạch tổng mặt bằng thì tỉ lệ thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ sẽ ít hơn so với thủ tục lập hồ sơ quy hoạch chi tiết thông thường. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo quy định tách thửa mới có thể tham khảo quy định về quy hoạch từ nghị định 35 để điều chỉnh, bổ sung nội dung dự thảo cho rõ hơn, phù hợp...", ông Vũ nói.
Đồng tình, một lãnh đạo quận cho rằng quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng là một gợi mở tốt có thể tham khảo để điều chỉnh, đưa vào dự thảo tách thửa mới. Tuy nhiên, nghị định 35 quy định lô đất được xem là quy mô nhỏ kèm theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ lập quy hoạch tổng mặt bằng vẫn còn khó thực hiện cho người dân.
"Vì vậy dự thảo cần bổ sung cho rõ thêm về quy định áp dụng quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng. Đồng thời điều chỉnh cho "mềm" hơn về điều kiện thủ tục, thành phần hồ sơ đối với việc lập quy hoạch tổng mặt bằng với lô đất có quy mô nhỏ cho phù hợp với thực tiễn lô đất của người dân chỉ có vài trăm m2 đến 1.000m2, 2000m2...", vị này nói.
Tách thửa theo quyết định 60 đã có quy hoạch tổng mặt bằng?
Theo vị lãnh đạo quận, về quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (quy hoạch tổng mặt bằng), quyết định 60 trước đây TP đã thực hiện tương tự như vậy khi xem xét cho hộ gia đình, cá nhân tách thửa.
Cụ thể, để tách thửa đất ở theo quyết định 60, hộ gia đình, cá nhân có thửa đất đáp ứng các điều kiện (phải là đất ở, thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu, có diện tích nhỏ hơn 2.000m2) thì đầu tư cơ sở hạ tầng theo thủ tục của quyết định 60.
Theo đó, tách thửa trải qua các bước: Người dân phải vẽ thiết kế để xin thỏa thuận tổng mặt bằng; có đơn xin thỏa thuận đầu tư đường với UBND quận, huyện. Sau khi đầu tư hạ tầng xong, UBND quận, huyện sẽ nghiệm thu cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tiếp đó quận, huyện sẽ ra quyết định thu hồi đường và giải quyết tách thửa.
"Có thể nói, việc thực hiện thỏa thuận tổng mặt bằng để tách thửa theo quyết định 60 trước đây TP đã tổ chức thực hiện chặt chẽ. Việc này vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước về quy hoạch, hạ tầng kết nối, vừa bảo đảm quyền tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân", vị lãnh đạo quận nói.
Dân phải làm hạ tầng kỹ thuật khá "bài bản"
Để bảo đảm tổng mặt bằng đủ điều kiện tách thửa theo quyết định 60, người dân phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật khá "bài bản" như:
Đường giao thông phải có kết cấu mặt đường bê tông nhựa hoặc xi măng. Vỉa hè phải lát gạch và trồng cây xanh.
Hệ thống thoát nước mặt sử dụng cống bê tông cốt thép có khẩu độ tối thiểu phi 400mm. Phải có hệ thống thu gom nước thải.
Hệ thống cấp nước sạch và bố trí trụ chữa cháy theo quy định, sau khi đầu tư hoàn thành phải có biên bản nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị cấp nước tiếp nhận, quản lý.
Hệ thống cấp điện sinh hoạt và hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống camera.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thửa đất cần tách phải được đấu nối với hạ tầng của khu vực.