Thành phố trẻ Tân Uyên tiếp tục bứt phá, hướng đến đô thị hiện đại

Việc thành lập TP Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương là bước ngoặt, dấu mốc rất quan trọng, mở ra thời cơ mới cho sự phát triển của vùng đất Tân Uyên. Đồng chí Bùi Minh Trí, Bí thư Thành ủy Tân Uyên đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những định hướng phát triển bứt phá thời gian tới để thành phố trẻ Tân Uyên cùng tỉnh Bình Dương khẳng định vị thế của một đô thị thông minh, hiện đại.

Một góc đô thị xanh TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: LIÊN QUYỀN
Một góc đô thị xanh TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: LIÊN QUYỀN

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thị xã Tân Uyên đã đạt những thành tựu nổi bật ra sao để được nâng lên thành phố?

Đồng chí Bùi Minh Trí: Trong thời gian qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tân Uyên đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt gần 12,6%, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng định hướng, thu ngân sách hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Tân Uyên vẫn chào đón thêm gần 290 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 990 tỷ đồng và 10 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 55 triệu USD… Đến nay, địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Một trong những yếu tố quan trọng mang tính đòn bẩy để Tân Uyên được công nhận lên thành phố trực thuộc tỉnh chính là đã đầu tư xây dựng bài bản, quy mô các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh, khu vực. Sau gần 10 năm thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn TP Tân Uyên đã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Tân Uyên đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1504/QĐ-BXD ngày 20-11-2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

PV: Việc thành lập TP Tân Uyên sẽ tạo nên sức bật mới như thế nào cho địa phương, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Minh Trí: TP Tân Uyên chính thức thành lập theo Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 ngày 13-2-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2023). TP Tân Uyên sẽ phát triển là đô thị trung tâm phía Nam tỉnh Bình Dương, đô thị hạt nhân của vùng TP Hồ Chí Minh. Theo đó, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị Tân Uyên được tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh như: Nhà ở, giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, công trình phục vụ an sinh xã hội…

Với việc nâng lên là thành phố, sẽ là cơ hội, nền tảng tốt để Tân Uyên đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị hóa, là động lực để phát triển khu vực phía Nam của tỉnh. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để tăng đầu tư cho phát triển kinh tế. Các chính sách thu hút đầu tư phát triển của thành phố cũng sẽ phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Tân Uyên, đồng thời sẽ tranh thủ tốt hơn những nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự lan tỏa sang các đơn vị hành chính trong tỉnh Bình Dương.

PV: Hoàn thành đề án thành lập TP Tân Uyên là điểm sáng nổi bật từ chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương, xin đồng chí cho biết những định hướng phát triển thành phố trong thời gian tới?

Đồng chí Bùi Minh Trí: TP Tân Uyên có vị trí chiến lược, địa bàn quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại… Giai đoạn 2021-2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa những nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật-xã hội theo hướng phát triển công nghiệp-dịch vụ-đô thị-nông nghiệp đô thị, chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên với đô thị Bình Dương cũng như TP Hồ Chí Minh và TP Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam của đất nước, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.

Thời gian tới, TP Tân Uyên xác định mục tiêu là xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm lớn phía Nam, chú trọng đô thị hóa theo quy hoạch, văn minh, hiện đại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh. Trong chặng đường mới, quyết tâm mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Tân Uyên tiếp tục đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo, ra sức kiến thiết đô thị, quyết tâm ghi thêm nhiều dấu ấn đột phá, đưa thành phố đạt đô thị loại II trước năm 2025.