Cù lao trong lành ở TP.HCM thoát cảnh độc đạo, sắp thành điểm du lịch mới

Tin thị trường - Cù lao Long Phước (phường Long Phước) thuộc TP Thủ Đức đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có khi sắp được khai thông, thoát khỏi thế độc đạo. Trong tương lai, cù lao này sẽ trở thành thủ phủ du lịch sinh thái gần nội thành TP.HCM nhất.

Nằm cách trung tâm TP.HCM hơn 20km  về phía Đông, phường Long Phước (TP Thủ Đức) là cù lao được bao bọc bởi sông Tắc, sông Đồng Nai và sông Soài Rạp. 

 

Phần lớn diện tích cù lao này vẫn là rừng cây, kênh rạch, không khí mát mẻ. Năm 2013, UBND TP.HCM quy hoạch nơi đây là Khu dân cư nhà vườn - du lịch sinh thái thuộc phường Long Phước. 

Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã đổ về cù lao Long Phước thiết kế, xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp nhà ở phục vụ cho khu du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sự bất tiện về hạ tầng giao thông quá lớn. 

Để đến cù lao Long Phước, chỉ có tuyến đường độc đạo đi qua cầu Trường Phước hoặc buộc phải di chuyển bằng xuồng lá, ca nô. Ngành du lịch sinh thái vì thế rơi vào cảnh vắng khách. 

Những tháng cuối năm 2023, không khí đầu tư kinh doanh đã rầm rộ trở lại khi cầu Long Đại, cây cầu thứ 2 nối vào cù lao Long Phước sắp hoàn thành. 

Cầu Long Đại nối liền phường Long Bình và phường Long Phước, bắc qua sông Tắc hiện đã hoàn thiện 99%. 

Trên công trường, công nhân đang lắp đặt các hạng mục đấu nối cuối cùng của hệ thống điện chiếu sáng. Nhiều tín hiệu cho thấy, quá trình đầu tư khai thác du lịch đã thực sự hồi sinh. 

Cù lao Long Phước có diện tích 24,44 km², nằm ở phía đông TP Thủ Đức, được bao bọc bởi sông Tắc, sông Đồng Nai và sông Soài Rạp. Cảnh sắc đồng quê cùng không khí trong lành của cù lao này được người dân TP.HCM yêu thích nhưng hầu hết ngại đến vì hạ tầng giao thông chưa phát triển.

Tính đến tháng 12/2023, cầu Trường Phước vẫn là cây cầu duy nhất kết nối cù lao Long Phước với... đất liền.

Trước khi có cầu Trường Phước bắc ngang sông Tắc, người dân phải đi lại hai bờ bằng ghe, xuồng. Tuy nhiên, cầu Trường Phước không giải quyết hết được sự cách trở về giao thông bởi sau khi có cầu này, người dân vẫn phải đi đường vòng.

Sự đối lập hai bên cầu Trường Phước. Bên phải là phường Trường Thạnh với mật độ xây dựng cao, hiện đại. Bên trái là cù lao Long Phước với hiện trạng chủ yếu là dừa nước tự nhiên, cây cối um tùm.

Phương tiện lưu thông qua cầu Trường Phước trong sáng 6/12, có cả xe cộ lẫn ghe xuồng.



Cầu Long Đại là cây cầu thứ 2 phá vỡ thế độc đạo cho cù lao, nối từ phường Long Bình sang Long Phước. Phía đầu cầu thuộc phường Long Bình là khu đại dự án bất động sản với gần 100 block căn hộ cao cấp đã hoàn thành, là động lực để du lịch cù lao Long Phước đón nhận lượng lớn khách tham quan.

Cầu Long Đại có chiều dài 350m, bề rộng mặt cầu 12m, 4 làn xe. Hiện đường dẫn lên cầu (ảnh) đã hoàn thiện 100%, đợi ngày khánh thành.

Công nhân kỹ thuật điện đang kiểm tra bảng điều khiển hệ thống điện chiếu sáng trên cầu. Có khả năng cầu Long Đại sẽ được khánh thành ngay trong tháng 12/2023, giúp cù lao Long Phước "cất cánh" với tiềm năng du lịch.

Khu vực một dự án bất động sản đang xây dựng ngay gần cầu Long Đại được quảng bá sẽ là những dinh thự sang trọng nhất phía Đông TP.HCM.

Một khu du lịch cắm trại theo dạng Glamping giáp bờ sông đã thành hình. Đây cũng là mô hình du lịch hứa hẹn thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi từ trung tâm TP.HCM đến vào các ngày cuối tuần.
 

Một chiếc du thuyền mini trên sông Tắc đang hướng về cù lao Long Phước.

>> Sàn bất động sản miền Nam - Nơi kết nối thịnh vượng