Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo đối với dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Tuyến cao tốc này giao cắt với hai tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng với mạng lưới hạ tầng khu vực phía Nam.
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Theo CTTĐT Chính Phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức PPP.
Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc trình duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài theo phương thức PPP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại văn bản 2902/VPCP ngày 01/5/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, kịp thời lấy ý kiến Thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành (nếu cần thiết), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 13/5/2024.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm trong việc soạn thảo Báo cáo thẩm định cần đảm bảo đúng quy định của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và Quyết định số 1134/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Giữa tháng 4/2024, UBND TP.HCM đã có Tờ trình số 1890/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Theo nội dung tờ trình, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 sẽ có chiều dài gần 51km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM là 24,66 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26.317 km.
Dự án có điểm đầu giao với Đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc tiêu chuẩn, chiều rộng nền đường 25,5 m, giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 19.617 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 9.674 tỉ đồng (chiếm 49,31% tổng mức đầu tư), phần còn lại vốn nhà đầu tư BOT là 9.943 tỉ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 14 năm 10 tháng.
UBND TP.HCM đề xuất thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian 2024 – 2025; khởi công dự án vào tháng 4/2025; thời gian thi công xây dựng từ năm 2025 đến năm 2027.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là một trong những dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng giúp khai thông cửa ngõ phía Tây Bắc của TP.HCM.
Khi hoàn thành, cao tốc này giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Công trình phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM qua Tây Ninh, giảm tải Quốc lộ 22.
Đặc biệt, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài còn giao cắt với hai tuyến vành đai 3 và 4 TP.HCM. Do đó, sau khi hoàn thành không chỉ tạo ra đột phá lớn về phát triển giao thông của khu vực mà còn tạo ra nhiều không gian mới để phát triển các khu công nghiệp, logistic và đô thị dọc các tuyến cao tốc, vành đai.
Tại Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong khu vực Đông Nam Bộ hiện có 29 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang được đầu tư.
Trong đó, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là một trong 5 dự án cao tốc đang trong quá trình triển khai thủ tục đầu tư cùng với cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa.
Nguyễn Văn