Doanh nghiệp FDI ưu tiên chọn khu công nghiệp xanh khi thuê đặt nhà máy

Khoảng 80 - 85% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững.

Thông tin trên được Savills đưa ra trong báo cáo gần đây về đòi hỏi chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp.

Theo Savills, dòng vốn FDI liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. 

Một khảo sát của KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI cho thấy, bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics, các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

fsdfsdfsd
Nhiều nhà đầu tư như LOGOS, SLP, Emergent, Frasers Property... đã  áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các dự án tại Việt Nam.

 

Tương tự, dựa trên dữ liệu sơ cấp trong quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội cho hay, khoảng 80-85% các doanh nghiệp FDI đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG) khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững. 

“Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án khu công nghiệp xanh, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu này. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của chúng ta trên thị trường toàn cầu”, chuyên gia Savills chia sẻ.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án khu công nghiệp hiện hữu đều được phát triển theo mô hình truyền thống, chưa được áp dụng nhiều giải pháp thiết kế theo hướng bền vững. Chỉ có 4 trên tổng số khoảng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái. Song, việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản.

Chia sẻ trước đó tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho hay, để thực hiện được ESG là điều không dễ dàng bởi tiêu chí rất ngặt nghèo.

Lấy ví dụ về việc thực hiện ESG tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), ông Điệp thông tin, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng từ năm 2008, toàn bộ hệ thống thoát nước mưa, nước mặt, nước thải theo tiêu chuẩn của Việt Nam giai đoạn trước đều phải theo đường ống bê tông.

Tuy nhiên, trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong khuôn viên nhà máy, toàn bộ hệ thống cống rung, lún đất… Như vậy, việc đáp ứng tiêu chuẩn môi trường không đạt. Vì vậy, Shinec phải ký hợp đồng chiến lược toàn diện với Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, sử dụng ống HDPE để thay thế ống bê tông và xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm tình trạng đưa nước thải ra môi trường.

Ngoài ra, Shinec còn xây dựng mối liên kết cộng sinh với các nhà đầu tư để tạo ra giá trị từ xử lý rác thải trong khu công nghiệp, tạo ra được lợi nhuận và có thêm nguồn vốn cải tạo môi trường. Đầu tư cảnh quan từ di sản Việt. Đào tạo lại nhân viên, bổ sung thêm thiết bị quan trắc tự động, quản trị online… và phải đầu tư với nguồn vốn rất lớn để thực hiện.

“Với một nhà đầu tư, việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư lại toàn bộ hệ thống này là một điều khó khăn. Nhưng đổi lại, Nam Cầu Kiền đã tăng thêm lợi thế cạnh tranh so với các khu công nghiệp trong và ngoài nước hiện nay. Đây là một trong những lý do để tôi làm báo cáo ESG trong suốt 9 tháng mới có thể thành công”, ông Điệp chia sẻ.

Tương tự, ông Trương An Dương, Giám đốc Khối Bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho biết, các khu công nghiệp xanh tạo ra lợi thế cạnh tranh của Frasers trên thị trường. Hầu như tất cả các khu công nghiệp xanh có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80 - 90% và hầu hết khách thuê là nhà đầu tư nước ngoài, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn. 

Tại Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UNIDO triển khai chuyển đổi 4 khu công nghiệp thí điểm sang khu công nghiệp sinh thái. Từ năm 2020 đến 2024, mô hình này được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và TP.HCM, góp phần tăng trưởng GDP từ 0,8%-7% và giảm khí thải từ 8%-70%.

Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40-50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái. 8-10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.