Doanh nghiệp xin nâng mức lợi nhuận nhà ở xã hội lên 20% thay vì 10% như hiện nay

Đại diện UDIC cho biết, hiện nay giá nhà ở xã hội khống chế lợi nhuận cho chủ đầu tư không quá 10%. Trong điều kiện hiện nay, vật tư, nguyên vật liệu và nhân công thường xuyên biến động dẫn đến lợi nhuận không được đảm bảo.

UDIC đề xuất nâng mức lợi nhuận lên 15 - 20%

Ngoài những khó khăn, vướng mắc mà nhiều "ông lớn" bất động sản nêu ra trong Hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội diễn ra vào chiều ngày 6/3, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho biết, vướng mắc, khó khăn trong phát triển, triển khai nhà ở xã hội còn trực tiếp đến từ cơ chế ưu đãi với nhà đầu tư và chủ đầu tư. 

Thông qua thực tiễn, vị này chia sẻ: Hiện, giá nhà ở xã hội khống chế lợi nhuận cho chủ đầu tư không quá 10%. Trong điều kiện hiện nay, vật tư, nguyên vật liệu và nhân công thường xuyên biến động, thủ tục kéo dài, dẫn đến chi phí tăng do việc thực hiện các dự án bị kéo dài, dẫn đến lợi nhuận không được đảm bảo.

Chính vì vậy, đại diện UDIC kiến nghị Thủ tướng cần phải xem xét, điều chỉnh cơ chế ưu đãi như nâng lợi nhuận định mức từ 10 lên 15, 20%. Đồng thời, kiến nghị về hỗ trợ tiếp cận các nguồn vay vốn như thời gian thẩm định ngắn lại, thời gian cho vay dài lên để đảm bảo nguồn vốn cho các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp xin nâng mức lợi nhuận nhà ở xã hội lên 20% thay vì 10% như hiện nay- Ảnh 1.

Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, UDIC có một số kiến nghị khác như áp dụng cơ chế mở cửa liên thông để rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, ưu tiên nhà ở xã hội vào danh mục đầu tư trọng điểm, được hưởng chế độ phê duyệt nhanh, phê duyệt gọn, xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng khung đất, khung dự án nhà ở xã hội để thu hút nhà đầu tư.

Vay 25 năm lãi suất cố định

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Becamex cho rằng, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính quyền và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

Phải làm sao thủ tục pháp lý đơn giản nhất với cơ chế "một cửa".

Đại diện Becamex đề xuất

Một điểm quan trọng nữa là chương trình cho vay ưu đãi với thời gian dài và lãi suất cố định. 100% các quốc gia thành công trong xây dựng nhà ở xã hội đều có chính sách cho vay 25 năm với lãi suất cố định. Điều này rất cần thiết, vừa cho đối tượng mua nhà vừa cho chủ đầu tư.

Đồng thời, ông cũng đề xuất cần phải gắn toàn bộ dự án nhà ở xã hội trong quy hoạch phát triển chung của quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng để thiết lập hệ thống giao thông công cộng, đường sắt đô thị.