Giá mặt bằng ở TPHCM giảm, nhiều thương hiệu vẫn tháo chạy

Sau Tết, nhiều thương hiệu nổi tiếng tại trung tâm thành phố lần lượt trả mặt bằng, do sức mua giảm mạnh, không đủ bù đắp chi phí thuê và nhân viên.

"Tháo chạy" khỏi mặt bằng đắt đỏ

Thị trường mặt bằng tại TPHCM đang trải qua những biến động đáng kể trong thời gian gần đây. Nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất như Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… chứng kiến sự rút lui của các thương hiệu nổi tiếng do sức mua giảm mạnh, không đủ bù đắp chi phí thuê và nhân viên. Có những đoạn đường, 3-4 cửa hàng liên tiếp trả mặt bằng.

Mới đây, quán cà phê trứng 3T nằm ở góc đường Trương Định và đường Điện Biên Phủ (Quận 3) đã đóng cửa và trả mặt bằng.

Mặt bằng ở góc đường Trương Định và đường Điện Biên Phủ (Quận 3) đã đóng cửa. Ảnh: Ngọc Lê
Mặt bằng ở góc đường Trương Định và đường Điện Biên Phủ (Quận 3) đã đóng cửa. Ảnh: Ngọc Lê

Nằm cạnh mặt bằng này, hồi giữa năm 2023, quán cà phê Tứ Phủ đình đám cũng thông báo đóng cửa. Thời điểm Tứ Phủ đóng cửa, giá thuê mặt bằng của quán cà phê này khoảng 280 triệu đồng/tháng.

“Khu vực này có giá thuê cao, đường một chiều nên khách cũng ngại dừng, doanh thu không đủ sẽ khiến các chủ thương hiệu phải trả mặt bằng” - ông Cao Thanh Hoàng, nhân viên tại một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (Quận 3), cho hay.

Kể từ tháng 8.2024 đến nay, mặt bằng quán cà phê Starbucks cũ vẫn chưa có khách thuê. Ảnh: Như Quỳnh
Kể từ tháng 8.2024 đến nay, mặt bằng quán cà phê Starbucks cũ vẫn chưa có khách thuê. Ảnh: Như Quỳnh

Còn mặt bằng từng là quán cà phê Starbucks trên đường Hàn Thuyên (Quận 1) bị bỏ trống từ tháng 8.2024 đến nay vẫn chưa có khách thuê.

Cách đó không xa, dọc tuyến đường Đồng Khởi (Quận 1) chưa tới 1km, có tới hơn 10 mặt bằng bị bỏ trống, có mặt bằng im lìm nằm chờ khách thuê nhiều tháng liền. Chỉ số ít mặt bằng đang được sửa sang đón khách.

Loạt mặt bằng trên đường Đồng Khởi bị bỏ trống nhiều tháng liền. Ảnh: Như Quỳnh
Loạt mặt bằng trên đường Đồng Khởi bị bỏ trống nhiều tháng liền. Ảnh: Như Quỳnh

"Giá mặt bằng ở khu vực này mặc dù có giảm nhưng vẫn không có khách thuê, bởi các khoản chi phí duy trì tại trung tâm cao. Số ít cửa hàng lớn có thể trụ lại, còn đa phần khách vào xem rồi đi", chị Phạm Lan Anh, nhân viên kinh doanh trên tuyến đường Đồng Khởi, cho biết.

Cần thích nghi với các phương thức kinh doanh mới

Theo số liệu từ trang giao dịch bất động sản trực tuyến Nhà Tốt, giá thuê nhà phố kinh doanh bán lẻ tại các quận trung tâm TPHCM trong tháng 1.2025 đã giảm trung bình từ 10-18% so với cuối năm 2024. Đặc biệt, Quận 1 và quận Bình Thạnh ghi nhận mức giảm từ 20-32%.

Mặc dù giá thuê giảm, nhiều mặt bằng vẫn trong tình trạng bỏ trống. Trên các tuyến đường trung tâm như Lý Tự Trọng, Trương Định, Nguyễn Thị Minh Khai... bên ngoài dán chi chít quảng cáo chào thuê. Một số mặt bằng lớn, dù đã treo biển cho thuê từ sau dịch COVID-19 đến nay, vẫn chưa có khách hỏi.

Mặc dù được giảm giá nhưng mặt bằng ở trung tâm vẫn kén khách thuê. Ảnh: Như Quỳnh
Mặc dù được giảm giá nhưng mặt bằng ở trung tâm vẫn kén khách thuê. Ảnh: Như Quỳnh

Theo Cục Thống kê TPHCM đánh giá, môi trường kinh doanh giai đoạn đầu năm 2025 trên địa bàn TPHCM chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 7,5%. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng đến 14,6% so với cùng kỳ.

Phía Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng cho biết, thời gian qua là sự lên ngôi của thương mại điện tử. Hầu hết nhãn hàng lớn đã ưu tiên bán hàng online và đã đạt nhiều thành công. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp chưa thích nghi được với các phương thức kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới nên khó khăn, nhiều khả năng đối diện nguy cơ bị đào thải, phá sản.

Nhiều mặt bằng trung tâm bị bỏ trống. Ảnh: Như Quỳnh
Nhiều mặt bằng trung tâm bị bỏ trống. Ảnh: Như Quỳnh
Số ít mặt bằng ở trung tâm đang được sửa sang, đón khách. Ảnh: Như Quỳnh
Số ít mặt bằng ở trung tâm đang được sửa sang, đón khách. Ảnh: Như Quỳnh