Tin thị trường - Tính đến hết tháng 11-2023, giải ngân vốn đầu tư công tại TP HCM mới đạt 45,2%. Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung toàn thành phố, nhiều cách làm hay, sáng tạo từ nhiều địa phương đang khiến bức tranh trên dần sáng.
Linh động cách làm
Xác định rõ mục tiêu, xây dựng kế hoạch chi tiết, giải quyết thấu đáo từng trường hợp... đã giúp quận Gò Vấp thành địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất thành phố
Những ngày đầu tháng 12-2023, dọc tuyến đường Dương Quảng Hàm, đoạn qua phường 5, 6, 7 (quận Gò Vấp) là hình ảnh người dân tất bật dỡ nhà, xây lùi vào bên trong để nhường mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm lên 32 m với 6 làn xe.
Vì lợi ích chung
Là hộ dân có nhà mặt tiền đường Dương Quảng Hàm, bà Phạm Thị Bảy (70 tuổi, thuộc diện giải tỏa một phần), cho biết gia đình bà chấp nhận lùi 13 m để mở rộng đường.
Theo bà Bảy, tuyến đường hiện hữu hai bên cách nhau chưa tới 10 m nên giờ cao điểm thường xảy ra tắc nghẽn giao thông, nếu mở rộng hơn sẽ giải quyết tình trạng này.
"Tôi đồng ý chủ trương của địa phương, đã nhận tiền bồi thường và đang tháo dỡ bàn giao mặt bằng. Tôi mong dự án sớm được triển khai, mở rộng đường để giảm kẹt xe, tạo điều kiện để kinh doanh tốt hơn" - bà Bảy nói.
Một hộ dân khác, ông Trần Thanh Toàn (63 tuổi) cho biết nhà ông thuộc diện giải tỏa toàn phần.
Ông được bồi thường hơn 2 tỉ đồng và thời gian tới sẽ chuyển đến quận 12 sinh sống.
"Vì lợi ích chung nên gia đình tôi chấp nhận giao mặt bằng" - ông Toàn cho biết.
Vượt qua điều "khó nhất"
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm có tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 1.546 tỉ đồng.
Dự án này ảnh hưởng đến 425 hộ dân, có 366 trường hợp giải tỏa một phần, 56 trường hợp giải tỏa toàn bộ.
Đây là dự án có công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư "thần tốc".
Từ ngày 17-7, 4 tháng sau khi UBND quận Gò Vấp ban hành quyết định về phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, được sự đồng thuận của người dân, đến nay dự án được giải ngân hơn 1.500 tỉ đồng, đạt 99%.
Hiện Ban Quản lý dự án các công trình giao thông đang triển khai thi công trên mặt bằng nhận bàn giao.
Dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý IV/2025.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án này là một trong những yếu tố quan trọng giúp quận Gò Vấp cán mốc tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 99%, trở thành địa phương có tỉ lệ giải ngân cao nhất thành phố hiện nay.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng thông tin trong năm 2023, địa phương được giao hơn 1.600 tỉ đồng vốn đầu tư công.
Trong đó, dự án thành phần số 2 về bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn Hóa quận Gò Vấp là 1.546 tỉ đồng.
Dự án gặp nhiều cái khó khi từng hộ dân có hoàn cảnh gia đình, tạo lập nhà đất khác nhau, yêu cầu, nguyện vọng, pháp lý nhà đất cũng khác nhau... đòi hỏi chính quyền phải xem xét thấu đáo và giải quyết hợp lý hợp tình.
"Khó nhất là công tác vận động hộ dân đồng tình để nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Như trường hợp Giáo xứ Bến Cát, sau khi vận động được Linh mục Chánh xứ ủng hộ là quận cấp phép sửa chữa ngay và tặng giấy khen, thư cảm ơn" - Chủ tịch UBND quận chia sẻ kinh nghiệm.
Tạo sự đồng thuận
Đi cụ thể vào cách làm, ông Nguyễn Trí Dũng cho hay UBND quận đã chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chi tiết, xác định rõ mục tiêu, phân công phụ trách, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với yêu cầu tiến độ cụ thể.
Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận duy trì giao ban hằng tuần để theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức, phối hợp thực hiện.
Trong quá trình vận động khi còn nhiều ý kiến chưa đồng tình, lãnh đạo quận trực tiếp lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại với người dân để ghi nhận, giải thích và tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Từng trường hợp tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng trong dự án được các cơ quan chuyên môn làm việc, xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo để tham mưu, đề xuất UBND quận.
Một yếu tố quan trọng cũng được Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đề cập là sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của sở, ngành.
"Điển hình như sở, ngành, lãnh đạo UBND thành phố đồng ý đề xuất của quận về chuyển giao 49 nền đất tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa hoàn toàn trong dự án Dương Quảng Hàm. Điều chuyển nguồn vốn đầu tư công còn dư (do giảm vốn bồi thường so với dự toán ban đầu) từ dự án này sang dự án bồi thường rạch Xuyên Tâm" - ông Dũng dẫn chứng.
Chính sách phê duyệt giá bồi thường tốt và các chính sách hỗ trợ khác, theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng là yếu tố quan trọng quyết định, tạo sự đồng tình, ủng hộ của các hộ dân, để họ ổn định cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thực hiện dự án.
Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu của Quận ủy giúp chủ trương được thống nhất xuống tận cơ sở.
Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo nhằm phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị cùng tham gia vào thực hiện các công trình, dự án trọng điểm.
Trong đó có phân công phụ trách, thành lập các tổ công tác để chỉ đạo thực hiện các công đoạn, đặc biệt là công tác vận động các tổ chức, hộ dân ủng hộ chủ trương.
Trong quá trình vận động khi còn nhiều ý kiến chưa đồng tình, lãnh đạo quận trực tiếp lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại với người dân để ghi nhận, giải thích và tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Dũng cho hay sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, nhất là tại các địa phương có dự án, kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, vận động, thuyết phục.
>> Sàn bất động sản miền Nam - Nơi kết nối thịnh vượng