Sổ đỏ đứng tên tối đa bao nhiêu người?

Sổ đỏ hay còn được hiểu là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không giới hạn số người đứng tên.

Sổ đỏ đứng tên tối đa bao nhiêu người?
Không giới hạn số người đứng tên trên cùng 1 sổ đỏ. Ảnh minh hoạ: Phan Anh

Sổ đỏ không giới hạn số người đứng tên

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013, nguyên tắc cấp sổ đỏ như sau:

"Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.

Như vậy, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng thì trên sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên những người đó (sổ đỏ đồng sở hữu). Trừ trường hợp, những người này ủy quyền cho người đại diện đứng tên sổ đỏ.

Sổ đỏ đứng tên nhiều người khi bán phải làm sao?

Khi một trong những đồng sở hữu muốn chuyển nhượng đất đồng sở hữu thì làm thủ tục tách thửa theo quy định. Sau đó, làm thủ tục cấp sổ đỏ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lưu ý, các giấy tờ, hợp đồng kèm theo cần phải thực hiện công chứng theo đúng quy định.

Đồng thời, việc tách sổ đỏ phải đáp ứng các quy định của pháp luật, như: điều kiện tách sổ đỏ, diện tích tối thiểu tách sổ đỏ, nộp các loại lệ phí…

Sổ đỏ đứng tên nhiều người, việc định đoạt tài sản chung ra sao?

Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

+ Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

+ Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

+ Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

+ Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này.