Dù chưa thể về mức tăng trưởng như thời điểm 2022, thị trường bất động sản năm nay đã tích cực hơn năm ngoái dưới tác động của các luật mới, theo Batdongsan.
Tại hội nghị "Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2024 và Tiêu điểm Bình Dương" ngày 18/9, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, cho biết từ cuối năm 2022, công ty đã đưa ra dự báo thị trường sẽ đảo chiều vào khoảng quý II đến quý IV năm nay. Hiện tại, dữ liệu cho thấy thị trường đã xuất hiện điểm đảo chiều khi thanh khoản có cải thiện, mức độ quan tâm nhiều phân khúc phục hồi.
Cụ thể, lượt tìm mua đất trên cả nước trong quý III ghi nhận tăng 49%, nhà riêng tăng 25%, chung cư, biệt thự lần lượt tăng 24% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nếu so với quý I/2022, đà phục hồi của các phân khúc mới khoảng 60%, duy nhất chung cư có tăng hơn 17% so với 3 năm trước.
Không chỉ nhu cầu khởi sắc, giá bất động sản cũng đang trên đà tăng. Theo trang Batdongsan, quý III, thị trường đất nền và nhà riêng tại một số tỉnh phía Bắc, nhất là Hưng Yên, Hà Nội xuất hiện làn sóng tăng giá cục bộ. Giá nhà riêng rao bán trung bình từ 173 triệu đồng mỗi m2, tăng 56%; đất nền từ 46 triệu đồng mỗi m2, tăng 42% so với quý I/2021 (thời điểm từng xuất hiện sốt đất cục bộ ở phía Bắc). Riêng Hà Nội, giá đất nền các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Oai tăng từ 53-90%, có tình trạng giá ảo.
Sự hồi phục này được chuyên gia Batdongsan nhận định nhờ tâm lý tích cực khi ba bộ luật (Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản) sửa đổi liên quan đến thị trường được áp dụng sớm, nhận được sự đón nhận của cả người mua, người bán, sàn giao dịch và chủ đầu tư. Luật mới được kỳ vọng tăng tính minh bạch, giúp cải thiện tình trạng nguồn cung và mở ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng thị trường đã và đang có dấu hiệu phục hồi dù còn chậm và không đồng đều. Những trợ lực để thúc đẩy đến từ kinh tế vĩ mô, lãi suất duy trì ở mức thấp; tỷ giá dịu dần; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ... đều trong ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, ông Lực nhìn nhận các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Đây là tiền đề để thúc đẩy đà phục hồi của thị trường bất động sản mạnh mẽ hơn từ năm tới.
Phó tổng giám đốc Batdongsan cho rằng tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) khi thị trường bước vào giai đoạn nhạy cảm với những thay đổi về luật đã thúc đẩy nhà đầu tư săn đất. Sự tham gia thổi giá của các nhóm lợi ích và thiếu hụt nguồn hàng sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu) tại Hà Nội những năm qua cũng góp phần tạo sóng ảo cho giá đất các huyện ngoại thành này.
"Từ nay đến cuối năm, chung cư vẫn sẽ là loại hình duy nhất dẫn sóng giao dịch. Còn với đất nền, biệt thự và nhà phố, sớm nhất phải đợi đến giữa năm 2025-2026 mới thấy điểm sáng", ông đánh giá.
Với các thị trường phía Nam, giới chuyên gia cho rằng TP HCM tiếp tục duy trì tình trạng khát cung, tăng giá với loại hình chung cư. Trung bình một căn chung cư tại thành phố có giá trên 3 tỷ đồng.
Giá cao, nguồn cung thiếu hụt đang đẩy nhu cầu mua chung cư từ TP HCM dịch chuyển sang thị trường Bình Dương. Báo cáo chuyên đề về Bình Dương của trang Batdongsan cho thấy 9 tháng qua, tỷ lệ khách từ TP HCM về Bình Dương mua nhà chiếm 49%, dân Bình Dương chỉ chiếm 33%. Đa phần nhu cầu mua và thuê rơi vào phân khúc chung cư. Các căn hộ có vị trí gần TP HCM là TP Dĩ An và Thuận An ghi nhận lượt tìm mua tăng từ 7-20%.
Ông Oh Dongkun, Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu, cho rằng Bình Dương là tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Gần đây, tỉnh này cũng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam. Chính sách phát triển bền vững về cơ sở hạ tầng giao thông, chiến lược thành phố thông minh cùng những nỗ lực thu hút đầu tư công nghệ cao là yếu tố then chốt giúp tỉnh duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia, khi quỹ đất tại những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội ngày càng khan hiếm, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu mở rộng tìm kiếm quỹ đất ở các tỉnh lân cận và đang triển khai các dự án lớn. Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, yếu tố giá bán vượt quá mức chi trả của đại đa số người dân sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển nguồn cầu ra các khu vực lân cận. Câu chuyện này thể hiện rõ với thị trường TP HCM và Bình Dương thời gian qua, dự kiến tiếp tục là xu hướng phát triển chính trong những năm tới.
Phương Uyên