TPHCM sẽ giải tỏa hơn 1.800 hộ thuộc 11 xã ở huyện Củ Chi để xây cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Phương án bồi thường, tái định cư cho các hộ dân đang được tính toán.
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng chiều dài gần 51 km, bắt đầu từ huyện Củ Chi (TPHCM) và kết thúc tại huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).
Đoạn đường cao tốc đi qua địa bàn TPHCM dài hơn 24 km, với tổng diện tích đất cần thu hồi là 182,25 ha, ảnh hưởng đến 1.808 hộ dân. Đây là dự án thành phần 3 - công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở địa bàn TPHCM.
Trong tổng số hộ bị ảnh hưởng, có khoảng 254 hộ đủ điều kiện được bố trí nền đất tái định cư, 178 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp và 11 hộ có đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện Củ Chi đã dự toán tổng kinh phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư lên đến 7.102 tỉ đồng, tăng 1.832 tỉ đồng so với khái toán trước đây do áp dụng theo Luật Đất đai mới.
Theo kế hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua địa bàn TPHCM sẽ được phê duyệt vào tháng 1.2025 và bắt đầu tiến hành chi trả bồi thường (giai đoạn 1) từ tháng 4.2025 cho các hộ dân đã đồng thuận về đất nông nghiệp và đất ở.
Đến nay, khoảng 99% số hộ dân bị ảnh hưởng đã được thu thập đầy đủ thông tin và giấy tờ sử dụng đất, sẵn sàng cho việc chi trả bồi thường.
Trên địa bàn huyện Củ Chi, hiện có hai dự án khu tái định cư chung phục vụ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Đó là Khu tái định cư tại xã Phạm Văn Cội có diện tích 16,71 ha và Khu tái định cư tại xã Tân Thạnh Tây có diện tích 26,5 ha. Hai khu này hiện đang là đất trồng cây cao su do Công ty TNHH một thành viên Bò sữa TPHCM quản lý.
Tuy nhiên, cả hai khu vực này hiện đang gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Để đảm bảo tiến độ di dời, UBND huyện Củ Chi đã đề xuất ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu tái định cư tại xã Phạm Văn Cội.
TPHCM dự kiến khởi công cao tốc TPHCM - Mộc Bài vào dịp 30.4.2025 và hoàn thành vào cuối năm 2027. Tuyến cao tốc này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc kết nối TPHCM với Tây Ninh, mà còn nằm trong trục đường Xuyên Á, kết nối Việt Nam với Campuchia, từ đó thúc đẩy giao thương quốc tế.
Trong số 11 xã bị ảnh hưởng, xã Trung Lập Hạ chịu tác động nhất với 343 hộ dân bị thu hồi đất, trong đó 50 trường hợp bị ảnh hưởng đến đất ở.
Tiếp đến là xã Tân Thạnh Tây với 373 hộ dân bị thu hồi đất, trong đó 111 trường hợp ảnh hưởng đến đất ở.
Xã Tân Thạnh Đông cũng chịu ảnh hưởng lớn với 328 hộ bị thu hồi đất và 10 hộ trong số đó bị ảnh hưởng đến đất ở.
Xã Phước Thạnh có 158 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất, với 36 trường hợp bị ảnh hưởng đến đất ở.
Xã Nhuận Đức có 279 hộ dân bị thu hồi đất, trong đó có 92 trường hợp ảnh hưởng đến đất ở.
Tại xã Phú Hòa Đông, 180 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, với 25 trường hợp bị ảnh hưởng đến đất ở.
Các xã khác như Phước Vĩnh An, Trung Lập Thượng và Tân Phú Trung cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ thấp hơn.