Tin Thị Trường BĐS - Là công trình giao thông kết nối quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án vành đai 3 TP.HCM đặt mục tiêu tới tháng 6-2023 khởi công. Một khối lượng công việc đồ sộ đang chờ, công tác chuẩn bị diễn ra thế nào?
Ngày 18-10, UBND tỉnh Bình Dương cho biết các công việc để triển khai dự án vành đai 3 qua địa bàn tỉnh đang được triển khai song song, khẩn trương.
Bên cạnh việc họp người dân để công bố chủ trương dự án (đã thực hiện xong), cơ quan chức năng đã thông qua phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh để cắm cọc giải phóng mặt bằng.
Ban chỉ đạo thực hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã họp thông qua phương án thiết kế các nút giao và cầu Bình Gởi thuộc dự án (là cầu bắc ngang sông Sài Gòn nối TP.HCM - Bình Dương).
Do khối lượng công việc khổng lồ, lại phải thực hiện trong thời gian ngắn (dự kiến tới dịp 30-4-2023 tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lễ khởi công dự án, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch chung là khởi công vào cuối tháng 6-2023), liên quan đến nhiều sở, ngành, đơn vị trong tỉnh nên UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các dự án thành phần, kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng... để giao việc và mốc thời gian cụ thể cho từng đơn vị.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài thực địa, các kỹ sư, công nhân đang hối hả cắm cọc để xác định ranh giải phóng mặt bằng và khoan thăm dò địa chất.
Tại một điểm khoan thuộc phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, mặc dù các thủ tục kiểm kê, đền bù còn đang thực hiện nhưng người dân vẫn hỗ trợ cho lực lượng chức năng mượn mặt bằng để khoan địa chất.
Tại điểm khoan trên quốc lộ 13, thuộc thành phố Thuận An, có những mũi khoan địa chất sâu tới 60m và phải khoan 2 ngày mới xong. Trên sông Sài Gòn, tàu thuyền ra giữa sông để khoan địa chất tại vị trí làm cầu Bình Gởi băng ngang sông để nối Bình Dương - TP.HCM.
Dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương gồm hai dự án: dự án thành phần 5 là xây dựng đường vành đai 3, bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương - TP.HCM), dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trong đó dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm nhiều vốn nhất, trên 13.500 tỉ đồng, trong tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng của toàn bộ dự án qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngay sau khi ranh giải phóng mặt bằng được phê duyệt, trong ngày 18-10 ghi nhận rất nhiều kỹ sư, công nhân đã tiến hành cắm cọc bê tông để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo kế hoạch, công tác khoan khảo sát địa chất sẽ hoàn thành trước ngày 20-10 và cắm cọc ranh giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trước ngày 31-12-2022.
8 dự án thành phần, 4 địa phương, hơn 75.000 tỉ đồng
Theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn 4 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Dự án dài khoảng 76,34km, được chia làm 8 dự án thành phần (trong đó mỗi địa phương gồm 1 dự án xây lắp và 1 dự án giải phóng mặt bằng). Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỉ đồng, kết hợp vốn ngân sách trung ương và 4 tỉnh, thành.
Trích nguồn: https://tuoitre.vn/