Vốn ngoại đổ bộ vào bất động sản phía Nam

Nguồn vốn ngoại liên tục đổ bộ vào thị trường bất động sản phía Nam, kéo theo sự ra đời của hàng loạt dự án bất động sản mới trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tiếp theo.

doanh nghiệp ngoại hướng tới các Dự án bất động sản giáp TP.HCM để phát triển Dự án  (Ảnh: Gia Huy)
Doanh nghiệp ngoại hướng tới các dự án bất động sản giáp TP.HCM để phát triển dự án. Ảnh: Gia Huy

Vốn ngoại đổ bộ

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng. Cụ thể, nguồn vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 20%.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, thì vốn FDI đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam khá mạnh mẽ trong 3 - 4 năm trở lại đây. Dòng vốn đó đến nay bắt đầu thẩm thấu và

các dự án có vốn FDI đã bắt đầu thực hiện.

Chẳng hạn, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng hai đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu hợp tác phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Liên doanh này tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường hàng ngàn căn hộ giá rẻ. Đến nay, liên doanh này đã hoàn tất việc góp vốn vào Dự án TT AVIO tại TP. Dĩ An với quy mô gần 2.000 căn hộ, giá bán dưới 2 tỷ đồng/căn, nhiều khả năng ra mắt trong quý III/2024.

Khoảng 15 năm trước, vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp thì nay, khẩu vị đã thay đổi, khi doanh nghiệp ngoại chủ yếu nhắm tới phân khúc tầm trung để đầu tư.

Được biết, Kim Oanh Group cũng mới bắt tay với 3 tập đoàn hàng đầu đến từ Nhật Bản, gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và Công ty Phát triển đô thị NTT để lên kế hoạch triển khai một dự án đô thị quy mô 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Không chỉ vậy, thời gian tới, liên doanh này còn hướng đến phát triển thêm hàng loạt dự án khác với giá bán thuộc phân khúc trung cấp và bình dân.

Hay Tập đoàn Bcons đang bắt tay với đối tác quốc tế là Asset Limited đến từ Thái Lan, để triển khai 11 dự án nhà ở, với tổng cộng gần 9.000 căn hộ thuộc phân khúc vừa túi tiền tại thị trường Bình Dương. Gần đây nhất, chủ đầu tư này công bố kế hoạch triển khai hơn 2.000 căn nhà ở xã hội trên khu vực đường Thống Nhất (TP. Dĩ An) trong năm 2025.

Trước đó không lâu, CapitaLand động thổ dự án nhà ở diện tích 19 ha, cung ứng ra thị trường 3.500 sản phẩm tại Bình Dương. Được biết, đây là dự án quy mô lớn nhất và có mức giá "vừa túi tiền" nhất trong loạt sản phẩm chủ đầu tư này đang triển khai tại Việt Nam.

Mới đây nhất, vào tháng 8/2024, Công ty Daewoo E&C (Hàn Quốc) quyết định rót thêm 105 triệu USD phát triển dự án bất động sản tại Đồng Nai. Cụ thể, Daewoo E&C sẽ hợp tác với Công ty Taekwang Vina cùng đầu tư phát triển Dự án Khu đô thị Long Tân Phú Hội (tên thương mại Fo;Res Centerm) tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Khu đô thị này có quy mô hơn 55 ha, nằm ngay trung tâm huyện Nhơn Trạch. Fo;Res Centerm đang triển khai thiết kế kiến trúc, chuẩn bị khởi công xây dựng hạ tầng và bán hàng giai đoạn I với 306 căn biệt thự thấp tầng, gồm các loại hình sản phẩm như garden villa, single villa, shop villa, shophouse, townhouse.

Còn trong tháng 7/2024, Nova Service Group, công ty thành viên của NovaGroup thông báo đang đàm phán với doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc để phát triển Dự án NovaWorld Phan Thiết.

Trong khi đó, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan), mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Bên cạnh đó, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần của Dự án Paragon Đại Phước, diện tích 45,5 ha, từ Tập đoàn Nam Long, với giá khoảng 26 triệu USD.

Khẩu vị nhà đầu tư ngoại đã thay đổi

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, khoảng 15 năm trước, vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp và chủ yếu ở TP.HCM, thì nay, khẩu vị này đã thay đổi, khi doanh nghiệp ngoại chủ yếu nhắm tới phân khúc tầm trung để đầu tư. Cũng theo bà Trang Bùi, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 16 thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tìm kiếm các quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thực tế và pháp lý hoàn chỉnh, với tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Ông Keisuke Muraoka, đại diện Liên doanh Cosmos Initia đến từ Nhật Bản (đang đầu tư vào Công ty TT Capital 150 triệu USD để làm dự án bất động sản tại Bình Dương) cho biết, khi quyết định chọn Việt Nam để rót vốn đầu tư, nhà đầu tư đã nghiên cứu khá kỹ về thị trường và tiềm năng của thị trường. Cụ thể, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế ổn định và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tạo ra nhu cầu ngày càng cao về nhà ở và dịch vụ liên quan; sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, bao gồm các dự án giao thông, điện, nước và tiện ích công cộng, giúp nâng cao chất lượng sống và gia tăng giá trị bất động sản.

Việt Nam cũng đang thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, việc mở rộng hợp tác quốc tế, cùng sự hội nhập kinh tế toàn cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững cho thị trường bất động sản trong tương lai.

“Trong phát triển các dự án bất động sản, yếu tố quan trọng nhất là dự án có khả năng thu hút người mua có nhu cầu ở thực và tại phía Nam. Các dòng sản phẩm giá tầm trung là khả thi nhất để phát triển. Ngoài ra, bên cạnh việc đảm bảo tiến độ pháp lý, chúng tôi đặc biệt quan tâm các yếu tố như vị trí, tiện ích và môi trường sống xung quanh dự án. Đối với đối tác, chúng tôi tìm kiếm những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nhà ở và có uy tín trên thị trường để bắt tay rót vốn cùng phát triển dự án”, ông Keisuke Muraoka nói.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hút rất lớn với các doanh nghiệp bên ngoài. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông là những nhà đầu tư lớn nhất, thì nay, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Trung Quốc với trọng tâm là phân khúc bất động sản khu công nghiệp.

Theo ông Sử Ngọc Khương, các nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào Việt Nam sẽ chọn các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, thương hiệu. Chẳng hạn, thời gian qua, các doanh nghiệp như Novaland, Phát Đạt, An Gia… luôn được các doanh nghiệp ngoại nhắm đến để đàm phám rót vốn phát triển dự án.

Một điểm mới nữa của dòng vốn đầu tư hiện nay, theo ông Khương, là thời gian qua, hạ tầng giao thông kết nối tại các tỉnh phụ cận với TP.HCM được phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, quỹ đất và pháp lý tại TP.HCM đang khá khó khăn cho việc ra dự án mới, nên các doanh nghiệp ngoại đã thay đổi hướng đầu tư, chú trọng tìm các doanh nghiệp có quỹ đất tại các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để rót vốn phát triển dự án.